Người dân thờ ơ với cảnh báo về dịch cúm gia cầm dịp Tết

    Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo về việc dịch cúm gia cầm H7N9 rất có thể sẽ xâm nhiễm trở lại vào dịp Tết, người dân vẫn vô tư sử dụng gia cầm không nguồn gốc.

    Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo về việc dịch cúm gia cầm H7N9 rất có thể sẽ xâm nhiễm trở lại vào dịp Tết, người dân vẫn vô tư sử dụng gia cầm không nguồn gốc.

     

    Dạo một vòng qua các chợ lớn tại Hà Nội: Chợ Nghĩa Tân, Long Biên, Gia Lâm,... dễ dàng bắt gặp những hàng bán thịt gia cầm, cả loại đã  làm sẵn và loại chưa qua giết mổ.

    Cận Tết nên lượng người mua mặt hàng này rất đông. Theo một tiểu thương chuyên bán gà chưa qua giết mổ tại chợ Nguyễn Sơn(Long Biên, HN), mấy ngày gần đây, ngày nào chị cũng bán được ít nhất 50 con gà.

    “Một vài hôm nữa sức mua còn tăng nhiều, vì người dân mua về làm thịt cúng Tết. Mấy hôm nay tôi phải “huy động” thêm cả chồng chở gà ra Hà Nội để bán”, tiểu thương này cho biết.

    Những người bán gia cầm tại các chợ đều cam kết “gà quê 100%”. Theo quan sát của PV, lượng gà bán tại nhiều chợ hầu hết đều chưa qua kiểm dịch.

    “Cơ quan chức năng cứ làm quá, chứ gà quê thì làm sao lây cúm tận bên... Trung Quốc?, mà ngày Tết làm sao thiếu được thịt gà, cứ ăn đi, sống chết có số rồi...”, một người tiêu dùng thờ ơ nói.

     

    Nhiều gia cầm tại các chợ trên địa bàn Hà Nội là hàng chưa qua kiểm dịch

     

    “Cúm gà chứ mấy khi cúm chim”

    Dạo một vòng quanh các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Hoàng Hoa Thám, Bưởi, Trần Duy Hưng… vào cuối giờ chiều mỗi ngày không khó để bắt gặp những quán hang rong bán chim quay, chim nướng trên vỉa hè.

    Theo quan sát của PV, đồ nghề của những quán bán chim quay rất đơn giản, chỉ có một vài thùng xốp đựng chim đã làm sẵn, một chiếc bếp lò, một cái chảo để rán chim cho nóng, tương ớt và những chiếc hộp xốp nhỏ để đựng đồ cho khách mua về. Để thu hút khách, những tấm biển hiệu in dòng chữ “Chim sẻ quay 2000 đồng/con” màu đỏ nổi bật.

    Đi dọc các tuyến phố gần địa bàn cầu Vĩnh Tuy, dễ dàng bắt gặp nhan nhản các quán vỉa hè bày bán chim cút rán với giá thành hấp dẫn.  

    Chị Hải (Thanh Trì, Hà Nội) một khách hàng thường xuyên của món chim cút cho biết: “Tôi rất hay mua chim cút rán về cho cả nhà ăn, bởi hương vị đặc biệt của nó. Cô con gái nhà tôi cũng nghiện món ăn này, cứ cuối tuần là đòi mẹ mua về”.

    Với giá thành chỉ dao động từ 10.000 – 15.000 đồng /con, chim cút rán không chỉ thu hút các khách nhậu mà có nhiều bạn trẻ cũng tìm đến thứ đố ăn nhanh này. Mặc dù cũng có đôi lần thắc mắc giá thành cũng như nguồn gốc thật sự của sản phẩm, nhưng đa số các bạn sinh viên vẫn coi đây là món ăn khoái khẩu không thể thiếu mỗi dịp tụ tập.

    Và tất cả những loại chim “chỉ việc ăn” này cũng là hàng không nguồn gốc, không được kiểm định.

    Một người dân bật mí: “Nhà tôi gần đây nên tôi cũng hay để ý mấy quán này, tôi thấy họ dùng chảo mỡ để rán chim dùng đi dùng lại rất nhiều lần, nhưng nhiều khách mua hàng họ không để ý, cứ vô tư ăn thôi. Mà màu vàng của chim quay phần lớn là do phẩm màu chứ không phải được ướp bằng mật ong hay húng lìu như họ vẫn quảng cáo đâu”.

    Khi tôi hỏi người bán về cảnh báo của cơ quan chức năng việc dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát trở lại và nguồn chim được lấy từ đâu, đã qua kiểm dịch hay chưa thì hầu hết người bán đều phớt lờ: “Chúng tôi cũng chỉ mua lại, mà nếu có dịch thì họ đã cấm, không cho bán đâu, các cô cứ lo xa”.

    Chị chủ quán còn trấn an khách hàng: “Hàng ngày chúng tôi bán cả trăm con chim, có thấy ai ra đây bắt đền bao giờ đâu, các em cứ yên tâm, ăn mà bị làm sao cứ ra đây, chị đền bù cho”.

    Cùng câu hỏi trên với khách đi mua hàng, nhiều người vẫn còn thờ ơ: “Tôi mới nghe tới cúm gà, cúm vịt chứ chả mấy khi nghe có cúm chim. Mà ở đây là chim sẻ, chắc không làm sao đâu”.

    Qua đây có thể thấy, cả người bán và người mua đều không hề quan tâm tới việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nguồn gốc của những con chim mà mình vẫn ăn. Hầu hết chim bán là đã qua sơ chế, khách hàng không thể phân biệt được chim có khỏe mạnh hay đã bị nhiễm dịch. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm H7N9 đang lan rộng và có nguy cơ lây lan tới Việt Nam là rất lớn.

     

    Người dân thờ ơ với cảnh báo về dịch cúm gia cầm dịp Tết - Ảnh 2

    "Cúm gà chứ mấy khi cúm chim"

     

    Lo ngại dịp Tết

    Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh từ đầu năm 2013 đến nay dịch cúm H5N1 tiếp tục xuất hiện ở nhiều địa phương, ngoài gây bệnh trên gà, vịt, năm nay đã có thêm chim trĩ và chim cút nuôi tại Tiền Giang và chim yến nuôi ở Ninh Thuận mắc bệnh.

    Kết quả giám sát cúm lưu hành trên gia cầm gần nhất cho thấy gần 23% mẫu dương tính với cúm A, gần 8% mẫu dương tính với phân type cúm H5 và H5N1 là gần 6%.

    Đó là chưa kể thời tiết lạnh như hiện nay cũng làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, cộng với số lượng gia cầm nhập lậu tăng mạnh phục vụ Tết Nguyên đán, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

    Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết đang lo ngại dịch xuất hiện trở lại vào dịp tết. Nguyên nhân là do khu vực đồng bằng sông Cửu Long và giáp giới với Campuchia dễ bị ảnh hưởng bởi dịch H5N1 đang gia tăng mạnh tại Campuchia, trong khi khu vực các tỉnh phía Bắc lại lo ngại dịch cúm H7N9 và H10N8.

    Đặc biệt là các tỉnh có dịch H7N9, H10N8 ở Trung Quốc đều khá gần với biên giới VN. “Khác với dịch cúm H5N1 là khi có dịch trên gia cầm dễ có dịch trên người, thì dịch H7N9 thường không có biểu hiện trên đàn gia cầm nhưng bệnh cảnh lại rất nặng ở người, do đó khó phát hiện nguồn lây” - ông Phu cho biết.

    Trong công điện gần đây gửi các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương, đặc biệt các tỉnh vùng biên, tăng cường giám sát dịch cúm trên gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu, nhập lậu, không cho phép nhập khẩu qua biên giới gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, kể cả gia cầm và sản phẩm gia cầm là quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới hai nước.

    Ông Phát cho rằng mặc dù dịch cúm A/H7N9 và H10N8 chưa xuất hiện tại VN, tuy nhiên nguy cơ xâm nhiễm vào VN trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh thành có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng..., đặc biệt trong dịp tết này.

     

    Theo Nguoiduatin