“Loạn” tâm linh làm “mồi” cho kẻ cơ hội?

    Trong tâm thức người Việt, tháng Giêng cũng là mùa lễ hội, là quãng thời gian nhiều gia đình tổ chức du xuân trẩy hội, cầu lộc cầu tài, cầu may mắn bình an.

    Trong tâm thức người Việt, tháng Giêng cũng là mùa lễ hội, là quãng thời gian nhiều gia đình tổ chức du xuân trẩy hội, cầu lộc cầu tài, cầu may mắn bình an.

     

    Thế nhưng, thực trạng “bát nháo” ở nhiều lễ hội vẫn diễn ra, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn từ cơ quan quản lý. Tình trạng khoa trương lãng phí; cờ bạc đỏ đen; mê tín dị đoan; thương mại hóa và biến tướng lễ hội; mồi chài chặt chém du khách… diễn ra phổ biến. 

    “Bát nháo” ở nhiều lễ hội…    

    Có thể nói “nhếch nhác” là đặc điểm chung dễ nhận thấy ở nhiều lễ hội. Nhếch nhác từ địa điểm gửi xe, điểm ăn uống và cả khu vui chơi, rác rưởi vứt bừa bãi, đốt vàng mã, rải tiền lẻ vô tội vạ. Ở hầu hết lễ hội, cờ bạc “bủa vây” với vô số những trò đỏ đen núp bóng “vui chơi có thưởng” như ném vòng, quay số, úp xèng, đỏ đen, bầu cua, xóc đĩa…  

    Các “chiếu bạc” được mở công khai ngay cạnh nơi diễn ra lễ hội. Tệ cờ gian bạc lận, xảy ra cả những lễ hội ở các vùng thuần nông. Không khó để có thể chứng kiến thực trạng này ở hội Cổ Loa, huyện Đông Anh; hội đền Gióng, huyện Sóc Sơn (Hà Nội); hội chọi trâu Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc…
     


    Những “chiếu bạc” như thế này mở ra công khai ở nhiều lễ hội.    
    (Ảnh chụp tại lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Sỹ Hào
     

     

    Ngày 14 tháng Giêng mới bắt đầu khai hội đền Bà Chúa Kho. Ý nghĩa đích thực của hội này cần phải hướng đến tinh thần liêm khiết, tận tụy trong việc bảo quản tài sản công. Thế nhưng ngay từ vài ngày trước khi khai hội, du khách thập phương đã nườm nượp kéo về để “vay tiền” cầu lộc. Theo quan sát của PV báo PL&XH, trước đền Bà Chúa Kho, nhan nhản những người cầm trên tay một chiếc đĩa sứ, “mồi” du khách thuê khấn với giá 2.000 đồng, đã khiến không ít người… “ăn quả đắng”. 

    “Tin vào lời họ tôi đặt 2.000 đồng nhờ khấn, chừng 10 phút sau thì “thầy khấn” lẩm nhẩm xong bài khấn – tôi cũng không rõ họ khấn nội dung gì. Nhưng “thầy khấn” nói rằng 2.000 đồng là tiền “đặt quẻ”. Rồi buộc tôi phải thanh toán thêm các khoản sau: Khấn cho chồng 40.000 đồng; khấn cho vợ 40.000 đồng; 20.000 đồng công khấn… tổng cộng tôi mất 102.000 đồng cho những kẻ lừa đảo này” –  một du khách trẩy hội đền Bà Chúa Kho bức xúc. 

    Sự phô trương và lãng phí của các lễ hội đã và đang diễn ra có thể kể đến lễ hội làng Đồng Kị, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Được biết, tại đây, với chỉ hai quả pháo bằng gỗ, pháo Nhất và pháo Nhì, mỗi quả được chạm trổ tứ linh rất cầu kỳ tinh xảo, có giá trị hơn một tỷ đồng, chưa kể các chi phí tổ chức các nghi lễ khác. Những chi phí này có được là nhờ sự đóng góp của nhiều người, đối với những người khá giả thì là… chuyện nhỏ. Nhưng đối với những người nông dân nghèo thì việc đóng góp rõ ràng sẽ trở thành một “gánh nặng”.

    Hay lễ hội khai ấn Đền Trần, rất nhiều “tiêu cực” trong lễ hội này đã được nhìn thấy và phản ánh: Nạn cờ bạc, trộm cắp, cò mồi… Nhưng điều các nhà quản lý văn hóa lo ngại là vấn đề biến tướng. Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra lễ hội khai ấn đền Trần là nơi giáo dục hào khí Đông A và tinh thần yêu nước, thì lại bị “xuyên tạc” thành nơi “ban phát” bổng lộc; nơi du khách “mua” ấn triện hòng ước vọng thăng quan tiến chức. Năm nay để đảm bảo cho lễ hội diễn ra an toàn, cơ quan chức năng đã phải huy động 2.000 chiến sĩ, thuộc các lực lượng an ninh, công an, quân đội đến túc trực làm nhiệm vụ trong những ngày trước trong và sau lễ hội. 

    Có thể nói, tình trạng lãng phí diễn ra ở khắp các lễ hội, mà một điều dễ nhìn thấy nhất ở “tập tục” đốt vàng mã vô tội vạ ở nhiều đình chùa, di tích văn hóa, và khu vực diễn ra lễ hội. Với tâm lý tin rằng, trần sao âm vậy, nhiều người đi lễ hội đã chi tiền triệu, sắm đủ loại quần áo, vàng, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả nàng hầu... để “đốt” cho người thân dưới cõi âm. Chỉ riêng việc đốt vàng mã, các chuyên gia ước tính mỗi năm cả nước “đốt” hàng nghìn tỷ đồng. 
    Chưa hết việc đổi tiền chẵn ra tiền lẻ theo tỷ lệ chênh lệch, để rải lung tung, nhằm “hối lộ” thánh thần. Chứng kiến cảnh tượng đốt vàng mã lãng phí ở phủ Tây Hồ; đền Quán Thánh; hay Chùa Hương… hoặc cảnh tiền lẻ vãi như trấu, nằm la liệt dưới nền đất ở nhiều di tích, hẳn nhiều du khách không khỏi… tiếc của. Trong khi ở nhiều vùng sâu vùng xa của đất nước, nhiều người vẫn đói ăn, nhiều học sinh vẫn phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, củ mài… thức ăn là dế mèn, học trong những ngôi trường tranh tre nứa lá, thiếu thốn trăm bề.

    Nếu nói đến những trò “chặt chém” du khách, có thể kể đến tại lễ hội Chùa Hương. Năm nay, lượng du khách sử dụng cáp treo cao, trong khi dịch vụ này không đủ đáp ứng nên đã xảy ra tình trạng quá tải. Rất nhiều “cò vé” đã lợi dụng điều này, trục lợi từ du khách. Theo quan sát của PV, những “cò vé” này ngang nhiên xuất hiện trước khu vực ga cáp treo với nhiều tập vé trên tay, ra sức chèo kéo, “chặt đẹp” du khách nhưng không hề bị lực lượng chức năng xử lý.

    “Giá vé niêm yết của Cty vận tải du lịch Hương Sơn cho một du khách (người lớn) đi cáp treo là 90.000 đồng 1 chiều; 140.000 đồng khứ hồi. Nhưng tôi đã phải bỏ ra 200.000 đồng để mua vé của một cò vé” – một du khách cho biết. 

    Việc bị “chặt chém” phí trông xe ở Chùa Hương năm nay cũng khiến nhiều du khách bức xúc. Theo phản ánh của nhiều du khách, khi vào cổng, các nhân viên của ban tổ chức đã yêu cầu du khách gửi xe ô tô với mức phí 40.000 đồng/1 vé. Thế nhưng đến khi lấy xe ra về, một “nhân viên” trông giữ xe khác lại đòi thêm 50.000 đồng. Nhiều du khách đã thắc mắc với ban tổ chức và được “lý giải”: Ban tổ chức chỉ có hai bãi gửi xe với sức chứa gần 700 xe. Nhưng, ước tính có ngày tới gần 2.000 xe gửi. Do vậy có chiếc xe đã phải gửi sang bãi của người dân, do vậy tình trạng thu thêm tiền là khó tránh khỏi”.

    Theo khảo sát của PV, tại khu vực Chùa Hương, nhiều mặt hàng tăng giá gấp đôi, gấp ba. Ví dụ, một lon “bò húc” được bán với giá 30.000 đồng, một chai nước khoáng giá 20.000 đồng... Tình trạng chèo kéo du khách, thả tiền lẻ, ném muối, gạo vào chân tượng vẫn diễn ra. Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn hoạt động rầm rộ, theo tỷ lệ 10 ăn 7 hoặc 8. Khi du khách phàn nàn về việc bị “chặt chém”, những người cung cấp dịch vụ lý giải, họ phải đấu thầu mặt bằng quá cao. Do vậy nếu “thương” du khách, thì đồng nghĩa với việc họ tự “đập vỡ” nồi cơm của mình. 
     

     
     
    Cảnh vãi tiền như trấu ở ga cáp treo Chùa Hương. Ảnh: Sỹ Hào
     


    Lễ hội mất đi ý nghĩa nhân văn

    Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, quan sát mùa lễ hội xuân hàng năm có thể thấy, nhận thức của không ít người dân vẫn còn u mê. Sự mê muội, cuồng tín là biểu hiện của dân trí thấp. Người văn minh sẽ hiểu rằng không phải “lễ lạy cầu xin” thánh thần là được giàu sang, toại nguyện. Những thành tựu của mỗi người đều phải trả giá bằng mồ hôi công sức, trí tuệ.
     


    Nhiều du khách đã bị những đối tượng lừa đảo ở đền Bà Chúa Kho móc túi bằng trò “khấn thuê”.


    Theo một số liệu thống kê được công bố, một năm nước ta có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, khi lễ hội được tổ chức quá nhiều, quá tốn kém thì tất nhiên những giá trị văn hóa, giá trị tâm linh sẽ bị nhạt dần. Lễ hội vô tình sẽ là nơi của những toan tính tầm thường. Nhiều lễ hội còn tổ chức bán vé thu tiền, thậm chí những dịch vụ ăn theo với mục đích thu lợi do đó mà mọc lên như nấm.

    Nếu như công tác quản lý lễ hội của các cấp, ngành chưa chặt chẽ, thì lãng phí thời gian tiền bạc công sức của nhân dân là điều khó tránh khỏi. 

     

    Dường như đã có sự ganh đua, phô trương không cần thiết. Nhiều lễ hội từ trước đến nay có ít người biết đến thì nay được tổ chức hoành tráng và rất tốn kém. Trong khi giá trị đích thực của các lễ hội là những yếu tố văn hóa lại ít được quan tâm.


     

    Theo Phapluat&Xahoi