Công dân có quyền đặt tên thoải mái

    Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc đặt tên quá dài hay bằng số, ký tự không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức…

    Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc đặt tên quá dài hay bằng số, ký tự không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức…

     

    Sáng 9-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thuyết minh báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

     

    Cân nhắc cho trẻ quyền thay tên

     

    Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, phải có những quy định mang tính nguyên tắc về quyền con người, quyền công dân. Do đó, bộ luật đề xuất: “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái”.

     

    Tuy nhiên, điều này không nhận được sự tán thành của Ủy ban Pháp luật của QH - đơn vị thẩm tra dự thảo bộ luật. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng quy định như vậy là không cần thiết. “Việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” - ông bày tỏ.

     

    Ông Lý đề nghị ban soạn thảo làm rõ những nội dung này để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Ủy ban Pháp luật chỉ đồng ý hạn chế việc đặt tên trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

     

    Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc cho phép trẻ dưới 14 tuổi quyền được thay đổi tên và chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào. Bởi lẽ, trẻ dưới 14 tuổi là giai đoạn đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý. Hơn nữa, quy định này cũng không phù hợp với Luật Hộ tịch.

     

     
     
     
    Đại biểu bấm nút thông qua Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi)Ảnh: Thắng Long
     

    Thận trọng với việc thừa nhận chuyển đổi giới tính

     

    Đối với quy định về lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, Ủy ban Pháp luật tán thành.

     

    Tuy nhiên, cũng có đề nghị không quy định lãi suất cơ bản trong bộ luật vì trong nền kinh tế thị trường, giao dịch dân sự dựa trên sự thỏa thuận; không quy định lãi suất cơ bản vẫn có căn cứ để thực hiện nghĩa vụ tài chính, chẳng hạn lãi suất trung bình của một số ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố... Ông Phan Trung Lý nhìn nhận đây là vấn đề quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị các ĐBQH tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.

     

    Đối với quy định “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác”, Ủy ban Pháp luật cho rằng việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân mà theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, như: hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam... Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

     

    Theo nld.com.vn