Người Hà Nội chật vật đối phó với trời nồm
Trở về nhà sau một tuần đi công tác, chị Thái giật mình khi thấy chăn, ga, gối lên mốc, còn nền nhà ướt nhẹp.
Trở về nhà sau một tuần đi công tác, chị Thái giật mình khi thấy chăn, ga, gối lên mốc, còn nền nhà ướt nhẹp.
"Nhà mình cấp 4, ẩm thấp. Nhà có hai phòng, thời gian vợ đi công tác, chồng không vào phòng trong mà thường ngủ ngay sofa phòng ngoài cùng con và bà nội, thế nên chẳng để ý việc đồ đạc trong đó mốc meo", chị Thái kể.
Vậy là suốt 2 ngày cuối tuần, chị phải đánh vật với việc lau dọn, giặt đồ. Hai vợ chồng chị cũng phải đi mua ngay một chiếc máy sấy, vì chỗ phơi trong nhà quá ít, giặt lâu khô, đồ giặt xong cứ ẩm mãi rồi bị mốc.
"Nan giải nhất là tường cũng ướt nhẹp và mọc rêu, chưa biết xử lý thế nào. Dán tường thì không được, quét sơn cũng chẳng xong, đành lấy tạm ít giấy báo dán quanh khu bếp nấu và giường, cho đỡ ẩm mốc", chị Thái kể.
Nhận thấy cách này có vẻ phát huy hiệu quả, chị Thái xin giấy báo cũ của cơ quan, mang về lót dưới sàn rồi rải chiếu lên cho con chơi đỡ trơn. "Giấy báo hút ẩm tốt, đem nhét ở các góc nhà, khe giữa tủ, giường cũng có tác dụng. Nhà nghèo nên đành dùng cách này", chị chia sẻ.
Nhiều bà mẹ có con nhỏ phải dùng bàn là là quần áo cho khô hẳn khi thời tiết ẩm ướt. Ảnh: MT.
Trời nồm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của miền Bắc, thường xuất hiện vào cuối mùa đông đầu mùa xuân. Nguyên nhân chính là không khí mang lượng ẩm quá lớn, khi thổi vào gặp lớp không khí lạnh và các bề mặt lạnh nên ngưng tụ thành giọt nước, bám trên nền nhà, tường, đồ vật..., gây bất tiện cho sinh hoạt. Sàn nhà ẩm ướt, quần áo phơi mãi không khô, các vật dụng dễ nấm mốc, hỏng hóc. Đợt nồm này đã kéo dài từ sau Tết nguyên đán đến nay, và dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương còn có thể duy trì trong tuần tới.
Vì trời nồm, nền nhà trơn trượt mà cậu con trai 18 tháng của chị Trâm (Hà Đông, Hà Nội) trượt chân ngã u trán. Lo tai nạn cũng có thể xảy ra với bà nội bé đã gần 70 tuổi, mấy hôm nay chị Trâm yêu cầu cả nhà đóng kín cửa để hạn chế hơi nước từ ngoài ùa vào nhà, đồng thời mở điều hòa, đặt ở chế độ gió khô.
"Nhà mình 4 tầng, những năm trước thường trời nồm chỉ tầng 1 và 2 ướt, năm nay không hiểu sao tầng trên cao cũng nhớp nháp. Mình đi làm về bật 3 điều hòa nóng, thấy nước chảy tong tong xuống. Quá sợ", chị Trâm kể.
Theo bà mẹ hai con, tháng này chắc chắn hóa đơn tiền điện nhà chị sẽ tăng vọt, vì điều hòa, máy sấy được huy động hết công suất. "Nhưng thà vậy còn hơn chịu cảnh lúc nào cũng cảm giác ẩm ẩm từ dưới bàn chân lên tới tận giường nằm", chị nói.
Trong nhà ẩm ướt, ngoài trời mưa đường trơn láng khiến sinh hoạt và việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Ảnh chụp chiều tối 3/3: MT.
Có cơ địa dị ứng, những ngày trời nồm, anh Bách (Ba Đình, Hà Nội) khổ sở vì bị ngứa. "Ngày nào cũng bật nóng lạnh, tối tắm, sáng tắm mà vẫn thấy người nhớp nháp, ngứa ngáy. Ra đường thì mưa bẩn, tắc đường, khói bụi, về nhà lại ướt lép nhép, mùi ẩm mốc. Đêm không ngủ nổi vì người chỗ nào cũng muốn gãi. Thật muốn điên với thời tiết này", người đàn ông 31 tuổi bộc bạch.
Anh Bách cho biết, vợ anh đang mang bầu những tháng cuối, phải sắm ngay một đôi dép riêng đi trong nhà, vì sợ nền ướt, dễ trượt ngã. "Hai đứa lấy nhau xong cố gắng mãi mới mua được căn hộ nhỏ ở khu tập thể, được ở tầng 1 thấy tiện dắt xe ra vào, không tính đến những ngày nồm ẩm ướt khó chịu thế này. Quần áo phơi ngoài hiên mãi không khô, trước khi mặc toàn phải lấy đem là", anh Bách kể.
Không chỉ khiến người dễ mệt, sinh bệnh, thời tiết ẩm ướt cũng dễ làm các vật dụng bằng điện bị hỏng hóc. Anh Thành (Lê Thanh Nghị, Hà Nội) cho biết, sau những ngày qua, nhiều thiết bị điện tử trong nhà anh không chạy được nữa. "2 chiếc đèn tuýp ít bật khi cần đến thì không sáng được nữa, bộ đổi điện tivi cũng chết phải thay, chiếc laptop tự dưng chập chờn... Chưa bao giờ mong trời nắng và khô ráo như bây giờ", anh Thành nói.
Thời tiết nồm cũng dễ khiến nhiều người đổ bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng - miễn dịch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mấy ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng vọt, lượng người bệnh nặng cũng đông hơn hẳn. "Bình thường, trung tâm chúng tôi nhiều lắm chỉ có 70-75 bệnh nhân lưu, mấy ngày nay tăng gấp rưỡi, thậm chí có hôm lên tới 110-120 người, giường phải nằm ghép 4", bác sĩ Trường nói.
Theo bác sĩ, thời tiết bất thường là yếu tố kích thích khiến những bệnh dị ứng - miễn dịch tăng mạnh và trở nặng. Những bệnh nhân hen phế quản, dị ứng mề đay... dễ trở nặng khi điều kiện khí hậu thay đổi, độ ẩm cao. Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh, mọi người cần tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng, những người có bệnh mãn tính cần kiểm soát bệnh tốt, sử dụng thuốc đều đặn theo đơn, tránh bị ảnh hưởng bởi tác nhân môi trường.
Theo tiến sĩ vật lý Nguyễn Khải, khi độ ẩm lên cao, tới 90% trở lên, tốt nhất nên đóng kín cửa để hạn chế hơi ẩm từ ngoài môi trường xộc vào nhà. Nhưng nếu độ ẩm quá cao, việc này có thể gây ngột ngạt vì thiếu oxy, nên thi thoảng vẫn cần hé cửa cho thoáng.
Ngoài ra, khi lau nhà nên dùng khăn khô để thấm hết nước, không nên mở quạt vì khi đó áp suất vùng này giảm càng khiến hơi nước ngưng tụ, gây ẩm ướt nhiều hơn. Các gia đình có điều kiện thì có thể làm khô không khí trong nhà bằng cách mở điều hòa ở chế độ khô, máy hút ẩm, quạt sưởi nóng... Quần áo muốn khô hoàn toàn cũng nên dùng máy sấy, bàn là...
Với đồ điện, nên cho hoạt động thường xuyên hoặc bật ở chế độ chờ để tránh hơi nước xâm nhập. Nếu thiết bị trục trặc nghi do ẩm, hãy dùng máy sấy tóc xì khô. Máy ảnh, máy ghi âm... nếu không dùng đến nên cho vào hộp có túi hút ẩm.
Theo Phapluatxahoi