Muốn con hay chữ phải... “chiều” thầy cô

    Câu chuyện chạy trường, chọn lớp vốn dĩ đã được nhắc đi, nhắc lại cả thập kỷ nay. Nó nhàm và cũ tới mức các nhà quản lý giáo dục chán chẳng buồn bình luận.

    Câu chuyện chạy trường, chọn lớp vốn dĩ đã được nhắc đi, nhắc lại cả thập kỷ nay. Nó nhàm và cũ tới mức các nhà quản lý giáo dục chán chẳng buồn bình luận.

     

    Chỉ có các bậc phụ huynh (cứ mỗi khi có con chuẩn bị vào lớp 1) là “lo sốt vó” vì dù là chuyện cũ, nhưng cái giá để được vào học tại các trường không hề cũ, nó thay đổi theo từng năm, theo sự trượt giá, hay theo cả những lí do trời ơi đất hỡi. Nhưng việc “chạy trường” vẫn cứ phải tiến hành.



    Từ trường điểm tới trường làng, mỗi trường một giá

    Thời điểm nóng nhất của việc “chạy trường” đã bắt đầu từ sau Tết âm lịch. Gia đình nào có con được học đúng tuyến vào trường điểm, trường có tiếng coi như đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Còn nếu không, công cuộc “chạy trường” chính thức được cả nhà khởi động. Các mối quan hệ của ông bà, bố mẹ cho “tân sinh viên lớp 1” bắt đầu được “lôi” ra, lên danh sách và rà soát. Máy điện thoại nóng ran vì các cuộc gọi điện hỏi han, thăm dò xem ông anh, bà chị, ông chú, bà bác từ Trung ương tới địa phương năm nay có suất nào vào trường tiểu học mà gia đình định nhắm tới cho con cháu mình vào học không?!

    Thông thường, mỗi quận của TP Hà Nội sẽ có một vài trường công có tiếng với chất lượng học tập, chuyên môn giáo viên và cơ sở vật chất tốt. Mỗi mùa tuyển sinh, ngoài các suất vào học đúng tuyến, hầu hết các trường đều có suất cho các trường hợp trái tuyến. Các “ông chú”, “bà bác”, cơ quan quản lý ngành dọc, những người có vị trí quan trọng đối với trường tiểu học nào mỗi năm đều có một suất trái tuyến. Thậm chí, tại một số trường, các cô giáo cũng có thể có suất. 

    Đương nhiên, quyền quyết định quan trọng nhất vẫn là hiệu trưởng nhà trường. Theo tìm hiểu của PV, mức giá hiện nay cao nhất thuộc về một trường đóng trên địa bàn quận Ba Đình với mức khoảng hơn 50 triệu đồng/suất trái tuyến. Tại quận Hoàn Kiếm, là nơi tập trung nhiều trường được đánh giá là chất lượng tốt, thì cũng có khá nhiều mức giá. Cao nhất cũng khoảng 35 triệu đồng/suất trái tuyến. Một số trường, còn lại có mức “nhẹ” hơn từ 15-25 triệu đồng/suất. Tại quận Hai Bà Trưng, mức giá để vào một số trường dao động từ 15-30 triệu đồng/suất. Đấy là số tiền, PV đã tự quy đổi từ mệnh giá đô la Mỹ sang Việt Nam đồng. Chứ còn, không hiểu vì lí do gì, giá “chạy” vào các trường đều được “niêm yết” bằng đô cả. Mà không chỉ các trường điểm, trường có tiếng, trường làng, trường thường cũng có giá, không cao nhưng cứ muốn vào trái tuyến (vì bất cứ lí do gì) cũng sẽ phải chi một khoản từ vài triệu tới cả chục triệu đồng. 

    Phụ huynh học sinh sau khi đã tìm đủ mối quan hệ, nếu may mắn có quen thân một “ông chú”, “bà bác”- những người đương nhiên năm nào cũng có một suất là điều tốt nhất. Tùy mối quan hệ thân sơ, suất đó sẽ được họ nhượng lại với giá phải chăng. Nếu là con đẻ của các vị này thì còn may mắn hơn là được trường điểm nhận không mất một xu nào. Nếu là cháu họ hàng “thật” thì mức giá từ vài chục triệu sẽ được giảm xuống còn vài triệu đồng gọi là tiền “quà cáp” cho Ban giám hiệu (BGH). 

    Trong cuộc đua này, tốn kém nhất là các phụ huynh không có mối quan hệ kiểu “nhất thân, nhì quen”. Lúc này, cách duy nhất là thông qua một số đầu mối, một số “cò mồi”, họ sẽ tìm được chỗ tin cậy để “giao dịch”. Đương nhiên, giá họ phải trả cho mỗi suất là đúng giá thị trường chứ không được bớt. Các đầu mối, “cò mồi” này hầu hết đều có mối quan hệ với các trường. Hoặc quen thân với các cô hiệu trưởng, các cô giáo của trường khác để luôn luôn có sẵn các đầu mối “giúp” các phụ huynh được việc. Đương nhiên, bây giờ, các phụ huynh cũng đã “tỉnh” hơn nhiều, không có chuyện đưa tiền cho “cò mồi”, đầu mối “ất ơ” để tiền “một đi không trở lại” còn con thì vẫn chưa có trường để học. Dù lí do gì, thời điểm này, gần như mọi công đoạn chạy trường đã xong xuôi, các phụ huynh đã có thể kê cao gối lên để ngủ, vì tiền đã trao, hồ sơ đã được nhận. Chỉ chờ đến đúng ngày nhập trường đưa con đến. Lúc đó, chỉ còn một công đoạn nhỏ nữa là chọn lớp, chọn cô thì “đơn giản” hơn, chỉ cần “quà cáp” một chút cho cô hiệu phó nào có nhiệm vụ xếp lớp nữa là xong.
     

     
    Ảnh minh họa


    “Thủ phạm” không chỉ là phụ huynh

    Hiện giờ, rất nhiều phụ huynh cũng đã có quan điểm thoáng hơn trong việc chọn trường cho con. Thứ nhất, đương nhiên vẫn là chất lượng, thứ hai là phải gần nhà. Chứ không nhất thiết, trường điểm là trường phải đi từ đầu này đến đầu kia TP để đưa con đi học. Nhưng tỉ lệ “chạy trường” vì thế mà không giảm đi. 

    Bởi, “phú quý sinh lễ nghĩa”, dù số tiền nghe tới vài chục triệu đồng chẳng hề nhỏ so với thu nhập trung bình của nhiều gia đình. Nhưng nhà nào cũng chỉ có một, hai con, mà mấy năm mới lại có một đứa vào lớp 1, đầu tư cả chục triệu đồng cho một cơ sở học hành chất lượng cho con, để con có cơ hội tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất với tính toán của nhiều phụ huynh, số tiền đó sẽ chẳng là gì. 

    Khi tiếp xúc với những phụ huynh “chạy trường” cho con vào lớp 1 năm nay, họ có muôn vàn lí do. Có em bé được bà chăm sóc từ bé, vì bố mẹ nó trục trặc, dù bà vẫn phải hàng ngày chạy chợ, bán hàng. Nhưng vì cháu sẽ được học ở một ngôi trường tốt nhất quận, nên bà sẵn sàng bỏ ra 35 triệu đồng để nhờ một cô giáo trong trường “chạy” hộ cháu. 

    Có nhà, trường đúng tuyến của con cũng là trường tốt có tiếng, nhưng nghe được thông tin năm học này, trường sẽ chuyển đi học nhờ chỗ khác để xây lại cơ sở vật chất. Thế là, lo con đi học nhờ “tạm bợ”, ảnh hưởng tâm lý học hành, thế là cũng “chạy”. 

    Còn có những lí do rất “trời ơi” kiểu: Trường đúng tuyến của con chị cũng rất tốt, nhưng nghe nói các cô “ghê” lắm, giao nhiều bài tập lắm, tối về cháu nó học gù lưng, mắt cận thì khổ thân, nên “chuyển”. Thậm chí vì cả lí do, đồng phục của trường này đẹp, “tây”, chất, chứng tỏ, BGH trường đó “rất có đầu óc” nên “thích” cho vào học. Hay bố mẹ thích cho con học trường làng, gần nhà tiện đưa đón, nhưng ông bà không chịu cho thằng cháu đích tôn học ở chỗ “vớ vẩn”, ông bà sẽ chi tiền và ra lệnh “chạy”. 

    Rõ ràng, khi trong chính hệ thống các trường có sự phân hạng rõ rệt, cái có thể “mắt thấy tai nghe” dễ dàng là trường này là đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, trường khác đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2, trong khi trường này chỉ là đạt mức chất lượng tối thiểu. Bên cạnh đó là cơ sở vật chất, tâm lý chung không bố mẹ nào muốn con mình phải học ở trường có các điểm lớp học phải đi thuê, hay sân trường không có, các cháu phải tập thể dục hay chào cờ ở trên vỉa hè, thậm chí là dưới lòng đường. Rồi cả chất lượng giảng dạy của các thầy, cô giáo tại các trường chưa thể đồng đều. 

    Và cũng từ đó, sự chênh lệch tiếp tục được hình thành trong đội ngũ giáo viên. Những giáo viên ở trường tốt thì có cơ hội kiếm tiền cao hơn các cô giáo ở những trường thấp, khi có tiền thì họ lại có điều kiện để quan hệ, để học tập nâng cao trình độ, trong khi cô giáo ở những trường vắng học sinh thì không có điều kiện đó. Vì thế khoảng cách giữa các trường ngày càng xa hơn. Điều đó cho thấy  việc “chạy trường” là thật sự nghiêm trọng khi nó đã mặc nhiên làm mất đi sự công bằng, hạ thấp tính minh bạch trong một môi trường giáo dục. 
     

    Rất nhiều nhà knghiên cứu về giáo dục hay các nhà quản lý giáo dục đã phát biểu rằng, không nên đòi hỏi giáo dục phải “trắng bong” khi mà xã hội có quá nhiều vết màu tối. Chỉ có thể có được nền giáo dục tiên tiến khi ý thức xã hội trở nên tốt hơn.  

     

    Sự chênh lệch quá xa giữa các trường buộc các bậc phụ huynh phải đứng giữa sự lựa chọn, phải “chạy trường” hoặc phải chấp nhận cho con em mình vào các trường chất lượng thấp hơn. Nhưng cũng “vô tình” các phụ huynh lại là “thủ phạm” tích cực nhất của việc biến các suất “ngoại giao”, “quan hệ” để vào các trường đơn thuần chỉ là tình cảm “nhẹ nhàng” lúc ban đầu trở thành công khai, thành chuyện “mua, bán, chuyển nhượng” như một thứ hàng hóa. 

     

    Theo PhapluatXahoi