Chuyện của những cô gái không về quê ăn Tết
Mới ở TP được một thời gian nhưng Thanh, một nữ sinh quê Nghệ An đã làm nhiều người sửng sốt khi lột xác hoàn toàn và thậm chí, cả năm không muốn về nơi "chôn nhau cắt rốn" nữa...
Mới ở TP được một thời gian nhưng Thanh, một nữ sinh quê Nghệ An đã làm nhiều người sửng sốt khi lột xác hoàn toàn và thậm chí, cả năm không muốn về nơi "chôn nhau cắt rốn" nữa...
Tết này con không về
Thực ra Thanh không phải là trường hợp duy nhất không muốn về quê ăn Tết, mà không ít những bạn trẻ khác từ các tỉnh lên TP học tập, làm việc, cũng có ý định Tết không về nhà. Lý do được họ đưa ra phần nhiều là muốn tranh thủ thời gian nghỉ Tết để làm thêm kiếm ít tiền gửi về gia đình ăn Tết, nhưng có không ít bạn trẻ trốn về quê vì không muốn chứng kiến cảnh nghèo nơi quê nhà, hơn nữa ở các TP lớn họ cảm thấy được tự do và đón một cái Tết có ý nghĩa hơn, đặc biệt là một vài bạn trẻ khi đã trót sa chân vào những tệ nạn xã hội thì việc không về nhà ngày Tết ẩn đằng sau đó nhiều tệ nạn xã hội.
Lang thang trên mạng xã hội, tôi chợt bắt gặp dòng tâm sự của một sinh viên trường ĐH Hà Nội: "Nếu được sống lại, mình ước sẽ không phải sinh ra ở vùng quê nghèo nàn, mình thấy quê hương thật tẻ nhạt. Về quê, 7g tối đã tắt điện đi ngủ hết, không đèn đường, không có gì giải trí, với mình, Hà Nội là nơi tuyệt nhất, có thể đi "bay" cả đêm với đám bạn mà không phải lăn tăn gì. Cuộc đời này là mấy “tý” sống không hưởng thụ nó phí đi... ".
Ban đầu tôi nghĩ những dòng chữ này chỉ là lời nói bất cần trong một hoàn cảnh đặc biệt của một bạn trẻ, nhưng thực tế tôi đã nhầm. Trao đổi với Nguyễn Thị L, ở Phú Thọ, là SV trường ĐH Hà Nội, được biết bạn bè của L có không ít người xuất thân từ những miền quê còn nhiều nghèo khó ra Hà Nội học tập, nhưng có không ít bạn do không làm chủ được bản thân, đã “lạc bước” vào những con đường tệ nạn như làm “gái”, nghiện ngập. L chia sẻ, ở lớp có một cô bạn gái quê ở tỉnh Tuyên Quang xuống Hà Nội học được hơn một năm. Vốn là một sơn nữ tại vùng đất nổi danh là “gái đẹp”, Dương sở hữu một vẻ đẹp hoang dã. Nhưng cũng từ vẻ đẹp tự nhiên đó đã khiến Dương lao theo vết trượt dài không phanh.
Theo lời của L, Dương thường xuất hiện cùng những người bạn “chí cốt” tại một quán bar dành cho Tây ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lúc nào Dương cũng tỏ vẻ tự cao với bạn bè trong lớp là có điều kiện được đi bar lại giao tiếp với người nước ngoài nên trình độ tiếng Anh lên nhanh lắm. Được một thời gian, Dương tuyên bố nghỉ học, sau này bạn bè của Dương kể lại rằng, do Dương đã bắt sóng được với một người ngoại quốc tại quán bar nên theo anh ta chu du xuyên Việt trong vài tháng, để rồi sau đó chàng trai nước ngoài “quất ngựa truy phong” để lại Dương bơ vơ khi đã quyết định bỏ học.
Cô lại phải quay trở về những quán bar để tìm việc trong vai trò nhân viên tiếp rượu, nhưng thói ăn chơi đã ngấm vào máu nên Dương làm đến đâu tiêu hết đến đấy. Do vậy chỉ có cặp kè với đại gia nơi vũ trường, quán bar mới bảo đảm cho Dương một cuộc sống “tạm” đủ, để rồi cô sinh viên ngoan hiền ngày nào nhanh chóng trở thành một gái bao có hạng. Đã 4 cái Tết đi qua mà Dương chưa một lần về nhà, bởi với Dương quê nhà của cô quá nghèo và không vui như nơi vũ trường.
Chuyện các cô gái quê không về nhà ăn Tết, đã không còn xa lạ. Tôi gặp Lê Thị T, một nữ sinh viên trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết, về quê ngày Tết đối với cô là cả một cực hình, hơn nữa, cô đang có bạn trai là người Tây nên ở Hà Nội ăn Tết luôn, chứ “ăn Tết âm người Tây cũng không hiểu, với lại nhà mình nghèo, về người ta khinh cho…”, T nói. Được biết T thường xuyên vào quán bar, tại đây cô làm quen được với vài chàng trai Tây, ở đây cô vừa được các chàng ngoại quốc bao lại vừa được đáp ứng nhu cầu "khoản kia" không chê vào đâu được nên càng ngày T càng say, dù nhà không có điều kiện cho lắm, nhưng T vẫn có đủ tiền để trang bị cho bản thân những vật dụng đắt tiền khiến bạn bè phải ghen tị. Và theo nhiều bạn bè, T còn rủ không ít bạn nữ trong lớp tới các quán bar, vũ trường để tìm việc đồng thời tìm kiếm cơ hội đổi đời. T cho biết: "Nếu thầy khó tính thì nhờ bạn cùng lớp điểm danh hộ. Vào làm tại quán bar thích hơn, bọn em được tự do trò chuyện với khách, khách ở đây toàn Tây nên "thoáng" lắm, ngoài trả tiền rượu, họ còn cho tiền "típ" phục vụ nữa, có tối em được cả triệu đồng do khách cho riêng".
với những lý do “khó hiểu”. Ảnh Thủy Liên
Lý do không về nhà ngày Tết
Cũng theo lời T thì năm nay cô không ăn Tết ở quê nhà bởi theo chân một bạn trai ngoại quốc mới đi du lịch Thái Lan, Lào, Myanmar. Nhưng theo Lý Thị H, một người bạn thân của T cũng đã từng theo T vào vũ trường tìm kiếm cơ hội, đó chỉ là một phần lý do mà thôi. Để có tiền T cũng tham gia buôn rượu lậu, bán hàng "độc" nhằm đưa vào các vũ trường, nhà hàng để kiếm tiền chênh lệch. Thậm chí T còn thay bạn trai như thay áo và T trở thành một gái làm tiền không biết từ lúc nào. Lối sống phóng khoáng cùng tham vọng kiếm nhiều tiền để hưởng thụ cá nhân đã khiến T ngày càng trượt dài theo những vòng quay của tệ nạn xã hội.
Theo lời mời của Th, là dân chơi có “máu mặt” ở Hà thành, tôi "đột nhập" vào một bar "kín" dành cho dân chơi Hà thành. Tại đây, Th cho biết, trong "hộp đêm" này có nhiều sinh viên các vùng quê phục vụ, vì cùng quê, nên các cô rủ nhau đi "làm thêm" tại đây. Mỗi đêm, làm từ 23g-5g sáng, phục vụ rượu, các cô được trả 1.000.000 đồng. “Ở đây các em cũng nhiệt tình lắm, nếu anh thích ai thì cứ xin số điện thoại, nhưng chỉ liên hệ ngoài giờ làm việc thôi nhé”, Th bật mí. Nghe theo lời của Th, tôi cũng xin được số điện thoại của một nữ phục vụ có gương mặt trái xoan nhưng giọng nói khá khó nghe. Lần chuyện trò đầu tiên giữa tôi và Thủy, tên của cô sinh viên trường ĐH NN, Thủy cho biết, cô mới vào hộp đêm này làm được 1 tháng sau khi nghe theo lời của bạn rủ, hiện Thủy đã có “hàng” và sẽ kín lịch trong dịp Tết này. Hỏi ra tôi mới hiểu “hàng” ở đây có nghĩa là Thủy đã có người đề nghị “bao” cô đi chơi dịp Tết này tại Trung Quốc vì thế Thủy chỉ “phục vụ” tôi từ giờ tới trước Tết âm lịch.
Đem câu chuyện này kể với Th, tôi được biết, chuyện các nữ sinh ở nhiều miền quê ra TP học tập sa ngã vào tệ nạn xã hội và trở thành gái bao cao cấp không còn hiếm. Th tếu táo: "Các cô nữ sinh này cho rằng, việc cặp với đại gia chính là cách để nâng tầm... gái quê. Việc làm "gà cắp nách" cho các đại gia các cô ấy giấu gia đình, có cô còn "cáo" đến mức, có người yêu rồi nhưng vẫn cặp với một người bằng tuổi bố mình để có tiền tiêu xài. Vì thế chuyện không về quê ăn Tết là chuyện thường rồi, không có gì phải lạ, nhiều cô từ khi lên đây học đã bao giờ thấy xuất hiện ở nhà đâu, thậm chí bố mẹ ở quê sốt ruột lên tìm các cô ấy còn tìm cách trốn...".
Gặp Trịnh Thị Y, ở Thái Nguyên, khi cô đang cùng bạn trai mua sắm ở Trung tâm thương mại Tràng Tiền. Y cho biết, đêm qua cô và mấy người bạn nữa sang một quán karaoke ở huyện Thanh Trì để "bay", do vô ý đã làm rượu đổ hết lên quần áo, nên hôm nay đến đây để sắm đồ. Quần áo ở khu mua sắm này toàn tiền triệu, nhưng Y "phẩy tay". Nhìn những nét dạn dĩ trên khuôn mặt Y, không ai nghĩ rằng cô đã từng là một cô gái hiền lành, chân chất.
Đã 2 năm nay, Y không về quê ăn Tết, cô cùng bạn trai ngoại quốc thứ 5 của mình có dự định đi Thái Lan để đón Tết năm nay. Theo Y, ở quê, quanh nhà chỉ có đồi dốc hoang vu, nên thỉnh thoảng cô gọi điện về quê cho bố mẹ yên tâm là được rồi...