Viêm khớp cùng chậu và chứng teo mông

    Viêm khớp cùng chậu thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ mang thai và sau đẻ. Khi khớp cùng chậu bị viêm có thể gây teo cơ mông.

    Viêm khớp cùng chậu thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ mang thai và sau đẻ. Khi khớp cùng chậu bị viêm có thể gây teo cơ mông.

    Ai dễ bị viêm khớp cùng chậu?

    Viêm khớp cùng chậu thường xảy ra sau khi mắc các bệnh: viêm đại trực tràng chảy máu; viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục. Ở những phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, vệ sinh không đúng cách khi kỳ hành kinh cũng rất dễ gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục ngoài, dẫn đến viêm nhiễm tử cung, vòi trứng, dẫn đến vô sinh. Phụ nữ khi mang thai, do thai lớn chèn ép tiểu khung, gây ứ huyết vùng khung chậu, chèn ép bàng quang nên việc thải tiết nước tiểu khó khăn, dễ gây nhiễm khuẩn ngược dòng. Nhiễm khuẩn đầu tiên chỉ khu trú trong vùng sinh dục tiết niệu, dần dần lan đến vùng khớp cùng chậu. Các bệnh lây truyền qua đường sinh dục như giang mai, HIV, lậu... cũng cần được phát hiện.

    Viêm khớp cùng chậu và chứng teo mông

    Sơ đồ vị trí khớp cùng chậu.

    Biểu hiện của viêm khớp cùng chậu

    Về cấu tạo giải phẫu, hai khớp cùng chậu nằm ở phía sau, giữa hai mông, nơi tiếp giáp giữa xương cùng cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và phía sau của hai xương cánh chậu. Vì vậy khi khớp cùng chậu bị viêm, người bệnh thấy đau ở vùng cột sống thắt lưng cùng, giữa hai mông, vùng chậu hông kèm theo teo cơ mông. Đau có tính chất âm ỉ, kéo dài dai dẳng. Nhưng cũng có trường hợp sản phụ sau đẻ bị đau vùng khớp cùng chậu dữ dội đến mức không thể chịu nổi, ảnh hưởng đến quá trình vận động như: không thể ngồi lâu để làm việc, cúi xuống, nghiêng hay xoay người rất khó khăn. Vì đau làm cho bệnh nhân mất ngủ, gây tâm trạng buồn chán, lo lắng. Viêm khớp cùng chậu có thể lan ra, gây tổn thương dây thần kinh tọa thậm chí teo cơ đùi, cơ mông. Bệnh thường xuất hiện vài tháng sau khi có thai, kéo dài trong suốt thời kỳ mang thai và sau khi đẻ. Trong một số trường hợp, người bệnh còn có những dấu hiệu viêm vùng chậu với các triệu chứng đau bụng âm ỉ, đau bụng dưới, đau khi đại, tiểu tiện, tiết dịch hay chảy máu âm đạo bất thường, giao hợp đau, sốt và rét run, buồn nôn và nôn. Khám thấy đau cổ tử cung, đau túi cùng âm đạo.

    Ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, viêm khớp cùng chậu thường có biểu hiện của viêm nhiễm vùng chậu như viêm vòi trứng, viêm cổ tử cung. Nếu viêm không được chẩn đoán và điều trị sẽ dẫn đến tắc vòi trứng gây vô sinh, thai ngoài tử cung, nhiễm khuẩn mạn tính, tích mủ vòi trứng... Viêm khớp cùng chậu lâu ngày cũng dẫn đến dính khớp, làm cho khung chậu không thể giãn ra được trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ sau này, khiến cho thai nhi khó có thể đi qua tiểu khung, phải mổ đẻ.

    Tuy nhiên trên thực tế viêm khớp cùng chậu dễ bị chẩn đoán nhầm với đau thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng, đau thần kinh tọa.

    Phương pháp điều trị bệnh

    Việc điều trị viêm khớp cùng chậu thường chỉ định dùng các kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc tốt nhất là dựa vào kháng sinh đồ. Thời gian dùng thuốc thường từ 2-4 tuần liên tục. Dùng các thuốc chống viêm, giảm đau, tiêm corticoid vào khớp cùng chậu. Đối với các trường hợp bệnh nặng có thể phải dùng các thuốc kháng sinh phối hợp như cefotaxime, ceftriaxone kèm với metronidazole, azithromycine, roxithromicine, clindamycine, gentamycine... Đến giai đoạn lui bệnh, người bệnh cần tập thể dục để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh các tư thế xấu sau này.

    Phòng bệnh

    Viêm khớp cùng chậu là một bệnh nặng, có thể gây teo cơ, cứng khớp hạn chế vận động. Do đó việc phòng bệnh trở nên rất cần thiết nhất là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Để phòng bệnh cần thực hiện phối hợp nhiều biện pháp: chẩn đoán và điều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân gây viêm khớp cùng chậu như: viêm đại trực tràng, viêm tiết niệu sinh dục... Quan hệ tình dục an toàn để phòng tránh bị lây các bệnh HIV, lậu, giang mai... 

    Theo SKDS