Nữ giám đốc làm giả 11 sổ đỏ để lừa đảo

    Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Hoàng Thị Phương, sinh năm 1959 về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

     Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Hoàng Thị Phương, sinh năm 1959 về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

     

    Đối tượng Phương là giám đốc Công ty TNHH Anh Phương, có trụ sở tại số 21 ngõ 3, đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

     

    Tại nơi làm việc của Phương, Cơ quan điều tra đã thu được 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả cùng nhiều giấy tờ liên quan. Đến nay, Cơ quan điều tra đã thu hồi 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả khác của Hoàng Thị Phương.

     

    Để thực hiện hành vi lừa đảo, Phương đã đánh bóng tên tuổi và thương hiệu của mình với chiêu bài mua được nguồn than bán phát mại giá rẻ, đồng thời quảng cáo là việc kinh doanh của mình thu được nhiều lợi nhuận nên nhiều người đã đặt tiền để mua than của Phuơng, cũng như tin tưởng cho đối tượng này vay tiền với thỏa thuận lãi suất từ 1,5% đến 3% một tháng, kèm theo thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

     

    Thực tế toàn bộ giấy chứng nhận này đều là giả mạo. Tuy nhiên, trong các hợp đồng thế chấp bằng giấy giả này, đều có xác nhận của cơ quan công chứng. Vậy trách nhiệm của cơ quan công chứng, các phòng công chứng vào các hợp đồng này như thế nào ?

     

    Kết quả điều tra ban đầu được biết, cuối năm 2010, Hoàng Thị Phương đã làm 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả với mục đích lừa đảo. 6 giấy giả mang tên Hoàng Thị Phương, 2 giấy còn lại lấy tên Nguyễn Hoàng Nam và Trần Hoàng Duy, con trai Phương.

     

    Phương đã dùng 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả có số sê ri AM 775954, AM 740588, AD576250, AK691450 và X700482 để vay 14 tỉ đồng của bà Nguyễn Thị Nhiên, trú tại tổ 7, khu 4, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long theo giấy biên nhận vay tiền lập ngày 1.1.2011 giữa vợ chồng Phương và bà này.

    Ngày 23.4.2011, Phương rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả có số sê ri X700482 đem thế chấp cùng với 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả số AG706570 và AM751498, để vay tiếp 6 tỉ đồng của chị Đào Thị Huệ (con gái bà Nhiên), trú tại tổ 5 khu 7, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long theo hợp đồng vay tiền giữa hai vợ chồng Hoàng Thị Phương và bên cho vay là Đào Thị Huệ. Hợp đồng trên được Văn phòng Công chứng Hạ Long chứng thực ngày 23.4.2011.

     

    Đến ngày 7.12.2011, do Hoàng Thị Phương không thực hiện đúng như cam kết trả nợ nên bà Nguyễn Thị Nhiên đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM740588 đến UBND xã Hạ Long, huyện Vân Đồn để kiểm tra. Tại đây, cơ quan chức năng huyện Vân Đồn phát hiện giấy chứng chứng nhận quyền sử dụng đất trên là giả. Thấy vậy, Hoàng Thị Phương lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả số AK691449 giao cho bà Nhiên, thay vào giấy giả bị cơ quan chức năng tạm giữ.

     

    Nghi ngờ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Phương đưa trước đó đều là giả, bà Nhiên và chị Huệ mời Phương đến làm việc. Tại đây, Phương phải thừa nhận 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều là giả, đồng thời cam kết hoàn trả tiền gốc, lãi cho hai mẹ con bà Nhiên.

    Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Hoàng Thị Phương mới chỉ thanh toán cho bà Nhiên 6.830.500.000 đồng tiền gốc và 2.394.000.000 đồng tiền lãi, còn nợ 7.169.500.000 đồng tiền gốc; thanh toán cho chị Huệ 1.520.000.000 đồng tiền lãi, còn nợ 6 tỉ tiền gốc.

     

    Hoàng Thị Phương còn khoác lác nói rằng mình có trên 10 đầu máy xúc chuyên dùng đang hoạt động tại các kho cảng, nhưng thực ra chỉ có 2 đến 3 cái. Chưa hết, Phương lấy giấy đăng ký đó để thế chấp vay tiền của các ngân hàng. Cơ quan công an xác định, Phương đã dùng thủ đoạn báo mất giấy đăng ký để xin Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cấp lại. Sau đó, Phương đã dùng giấy đăng ký cấp lại lừa bán số phương tiện trên cho các doanh nghiệp khác.

     

    Ngoài ra Phương còn mua những bộ hồ sơ máy móc chuyên dùng (thực tế không có máy) nhưng không hiểu bằng cách nào mà cơ quan chức năng vẫn cấp giấy đăng ký phương tiện để rồi Phương mang những giấy đăng ký xe này thế chấp, vay tiền và đem cầm cố tại nhiều cửa hàng cầm đồ để chiếm đoạt tiền. Mặc dù trên thực tế không có xe nhưng Phương vẫn được các ngân hành đồng ý cho thế chấp bằng giấy tờ xe, không có xe mà vẫn cho vay vốn.

     

    Đến nay cơ quan công an đã xác định, Hoàng Thị Phương đã lừa đảo các tổ chức cá nhân số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Hiện tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục mở rộng vụ án để làm rõ vai trò đồng phạm trong vụ án này, đồng thời củng cố tài liệu sớm đưa Phương ra xét xử trước pháp luật.

     

    Vậy ai là nạn nhân của Hoàng Thị Phương đề nghị đến Đội 6 – Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý và chức vụ Công an tỉnh Quảng Ninh để trình báo, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra vụ án.

     

    Theo DanViet