Cô gái bị cưỡng hiếp tập thể từng bị mẹ "cắm" vào quán karaoke ôm
Sau khi cùng nạn nhân đến cơ quan công an trình báo, PV đã lôi được hung thủ của vụ hiếp dâm 3 năm về trước ra ánh sáng. Tuy nhiên, cách xử lý đối tượng của cơ quan công an khiến nạn nhân thêm hoang mang. Nhất là trong khi cô có một hoàn cảnh khá éo le, không có chỗ nương tự tin cậy.
Sau khi cùng nạn nhân đến cơ quan công an trình báo, PV đã lôi được hung thủ của vụ hiếp dâm 3 năm về trước ra ánh sáng. Tuy nhiên, cách xử lý đối tượng của cơ quan công an khiến nạn nhân thêm hoang mang. Nhất là trong khi cô có một hoàn cảnh khá éo le, không có chỗ nương tự tin cậy.
Như bài viết trước đã phản ánh, cô gái Đào Xuân Nguyệt (SN 1997, ngụ thôn 5, xã EaHu, huyện CưKuin, Đắk Lắk) là nạn nhân bị hiếp dâm từ cách đây hơn ba năm, khi mới 13 tuổi. Sau mấy năm âm thầm bỏ làng đi trong sợ hãi, cô gái đã gọi điện đến đường dây nóng của báo PLVN, đề nghị được hỗ trợ pháp lý để quay về tố cáo sự việc. PV đã cùng Nguyệt về quê, tìm lại nhân chứng, gặp lại đối tượng từng làm nhục cô, thu thập bằng chứng và đưa vụ việc ra ánh sáng.
Công an thả “yêu râu xanh” về lấy vợ
Ngày 3/4, PV đưa đơn trình báo và đoạn ghi âm lên Công an xã Ea Hu. Ông Đinh Huy Liệu, Trưởng công an xã Ea Hu tiếp nhận đơn thư, cho biết: Cách đây hơn 3 năm có thông tin về một vụ hãm hiếp tập thế đối với nạn nhân Nguyệt, nhưng do bị hại không tố cáo và rời khỏi địa phương, nên công an xã không biết bị hại ở đâu để động viên ra khai báo.
Ảnh minh họa
Chiều ngày 3/4, công an xã yêu cầu Bảo đến trụ sở làm việc. Tại đây, đối tượng đã thừa nhận hành vi của mình, sau đó khai thêm về đồng phạm Phan Văn Linh (SN 1990, ngụ xã Ea Ning). Công an xã đã chuyển hồ sơ vụ việc cho điều tra viên Nguyễn Kiên (Công an huyện Cư Kuin) để di lý đối tượng Bảo về trụ sở công an huyện tiếp tục điều tra khai thác.
Ngày 7/4, công an mời Nguyệt lên làm việc và đối chất với hai đối tượng. Lúc này, đối tượng Linh cũng đã bị mời lên cơ quan công an để lấy lời khai. Tại buổi làm việc này, cả hai đều thừa nhận hành vi sai phạm.
Nhưng đến 17h cùng ngày, Linh được mẹ bảo lãnh cho tại ngoại để về tổ chức đám cưới. Sau đó ít ngày, cơ quan điều tra cũng thả đối tượng Bảo.
Gia đình cô gái ngạc nhiên thấy hai đối tượng được thả, lại không thấy công an có câu trả lời hay liên hệ gì với mình nên đã đến gặp Bảo tại nhà. Bảo cho biết đang phải xức thuốc do sau khi bị bắt đã bị đánh thâm tím người, đồng thời còn đưa thắc mắc đồng phạm của mình không bị đánh, trong khi Linh có nhiều hành vi đe dọa bị hại hơn.
Về tìm hiểu tại địa phương cư trú của hai đối tượng, người dân xã Eahu và Ea Ning cho biết: Linh sinh ra trong gia đình khá giả, đã từng đi bộ đội về, và đã là Đảng viên, nhưng có tính cách khá ngỗ ngược.
Năm 2012, Linh là một trong bốn đối tượng trong một vụ đánh người gây thương tích nghiêm trọng. Trong khi các đối tượng khác bị khởi tố, một mình Linh thoát tội và đi xuống TP.HCM làm lái xe. Hiện Linh đang được tại ngoại và vừa cưới vợ được mấy ngày.
Ngày 14/4, phóng viên lại cùng nạn nhân đến Công an huyện Cư Kuin. Trả lời bị hại và phóng viên, ông Võ Ngọc Quang, Đội trưởng đội điều tra huyện Cư Kuin, cho biết: Hiện tại cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn thư của bị hại, phụ trách thụ lý hồ sơ là điều tra viên Nguyễn Kiên. Hiện điều tra viên đang đi công tác nên “có gì liên hệ qua điện thoại”.
Gọi điện gặp điều tra viên Nguyễn Kiên, ông Kiên nói vụ việc đang trong quá trình điều tra và xác minh thông tin. Công an đã tiếp nhận hai đoạn băng ghi âm do bị hại cung cấp. Đối tượng Bảo lúc thực hiện hành vi mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi khởi tố. Còn đối tượng Linh thì đang trong quá trình điều tra, “chưa thể trả lời”.
Trốn “yêu râu xanh” lại bị mẹ “cắm” cho karaoke ôm
Trong suốt quá trình tìm hiểu sự việc, tiếp xúc với cô gái và một số người thân trong gia đình, một điều ngạc nhiên là người mẹ của nạn nhân không một lần có mặt đưa con gái đi tố cáo. Mỗi buổi sáng trước khi đến làm việc tại cơ quan công an, nạn nhân gọi điện cho mẹ nhiều lần, nhưng tất cả các cuộc gọi đều “thuê bao không liên lạc được”.
Cuộc đời của Nguyệt là những chuỗi ngày khốn khổ vì thiếu vắng cha mẹ
Tâm sự về mẹ, người chị gái đầu của Nguyệt cho biết: “Nhiều lúc tôi chỉ ước ao mẹ về ăn cơm và biết rằng còn có sự tồn tại của chúng tôi. Nhưng rất hiếm khi có được điều đó. Mẹ thường đi làm ăn biền biệt rồi về đưa một món tiền để chị em tự nuôi nhau. Sau đó mẹ còn gặp mấy người đàn ông, sinh thêm hai đứa em trai nữa”.
Mẹ như vậy, ba chị em Nguyệt đều bỏ học. Người chị cả phải đi kiếm sống từ năm 16 tuổi, tính cách mạnh mẽ, tự nhận “không khác gì một người đàn ông, để còn che chở cho những đứa em”.
Nhớ lại thời gian sau ngày em gái bị những kẻ xấu làm hại, người chị cho biết lúc đó Nguyệt bỏ nhà lên phòng trọ của chị để ở, chỉ im lặng, lủi thủi mà sống. Chị khuyên bảo thế nào em cũng không chịu về nhà tiếp tục theo học.
Mấy chị em phải đi làm quần quật từ 7h sáng đến 10h đêm mới về, làm đủ các nghề: Bán quần áo, xếp bóng tại quán bi da, bưng bê tại các quán cà phê và quán nhậu để có tiền trả tiền phòng trọ và tiền ăn. Bố mẹ không có một sự quan tâm nào hết. Người mẹ nhiều khi còn chửi mắng mạt sát cả ba chị em.
Tâm sự về mẹ, Nguyệt lại một lần nữa khóc: “Gia đình đã không bảo vệ được em. Giờ em làm đơn lên cơ quan chức năng, nếu không được nữa thì ai sẽ là người bảo vệ cho em đây”?
Nguyệt kể người mẹ đi buôn bán kiếm được rất nhiều tiền, nhưng hễ có đồng nào lại nướng vào bài bạc. Gia đình vì thế lúc nào cũng rơi vào cảnh túng thiếu. “Ngày em lên TP.Buôn Ma Thuột, mẹ còn mang em đi “cắm” ở quán Karaoke ôm lấy 3 triệu đồng để đi đánh bạc.
Nhiều lúc túng thiếu tiền em đi làm gom góp được bao nhiêu, mẹ đều lừa mượn hết. Trách mẹ thì mẹ lại bảo “tao sinh ra chúng mày, chúng mày phải có nghĩa vụ cung phụng phục vụ tao, mày là con tao, tao thích giết lúc nào tao giết””, cô gái vừa kể, vừa rơi nước mắt.