Nguyên nhân vì sao lãi ngân hàng giảm mạnh

    Lợi nhuận của các ngân hàng giảm mạnh, nhiều tổ chức tín dụng còn âm lợi nhuận hoặc lợi nhuận quanh quẩn ở mức 1%.

    Lợi nhuận của các ngân hàng giảm mạnh, nhiều tổ chức tín dụng còn âm lợi nhuận hoặc lợi nhuận quanh quẩn ở mức 1%.

     

    Nguyên nhân vì sao lãi ngân hàng giảm mạnh - Ảnh 1

    Trong một báo cáo về thị trường tài chính – ngân hàng 2013-2014 đang được Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC) hoàn thiện và sẽ công bố vào tháng 5 tới khẳng định: Chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện. Tỉ lệ nợ quá hạn ngân hàng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo báo cáo của các ngân hàng, bắt đầu giảm. 

    Tỉ lệ nợ quá hạn năm 2013 còn 8,8% so với mức 11,3% của năm 2012. Tỉ lệ nợ xấu 2013 giảm được 3,6% so với 4,2% năm trước. 

    Nợ xấu theo thông lệ quốc tế được kiểm soát và giảm xuống, dao động ở mức 9% đến 10%, theo báo cáo của NHNN.

    Đến nay đã xử lý được 106.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó 40.000 tỉ đồng xử lý qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và 66.000 tỉ từ nguồn dự phòng của các ngân hàng.

    Tuy nhiên, hiệu quả sinh lời của các ngân hàng thời gian qua giảm mạnh. Theo ông Trương Văn Phước- Phó Chủ tịch NFSC, thực ra với dư nợ tín dụng tăng lên thì thông thường lợi nhuận ngân hàng tăng theo. Nhưng hiệu quả sinh lời ngân hàng giảm mạnh từ năm 2009, với lợi nhuận trên vốn (ROE) giảm từ 15% (2009) xuống còn 6% (2013). “Mức giảm này là cực lớn. Nhiều tổ chức tín dụng còn âm lợi nhuận hoặc lợi nhuận quanh quẩn ở mức 1%.”, ông Phước nói.

    Giải thích lý do lợi nhuận của các ngân hàng giảm mạnh, theo ông Phước, có một nguyên nhân chính là việc xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nhưng nhờ đó hệ số an toàn vốn cao hơn mức tối thiểu theo quy định (9%), đạt mức 12,8% (2013).

    Về con số này, nguyên Chủ tịch NFSC Lê Đức Thúy cho rằng, mặc dù hệ số an toàn vốn bình quân năm 2013 là 12,8% cao hơn mức tối thiểu theo quy định 9% nhưng trong hệ thống cũng có những ngân hàng có nguy cơ mất vốn, rất dễ dẫn đến khả năng đổ vỡ dây chuyền nếu tình huống xấu xảy ra. Do đó, NFSC cần chuẩn trị lại kỹ hơn tình hình sức khỏe của toàn bộ cơ thể nền kinh tế, để biết được ở đâu đó có bộ phận nào đang tiềm ẩn nguy cơ về mầm bệnh.

    Cùng chung lo lắng này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặt vấn đề: VAMC có công lớn là mua được số nợ xấu, nhưng số nợ xấu đó đi đâu, giải quyết thế nào, cải thiện thực trạng nợ xấu như thế nào thì chưa rõ. “Tôi e ngại VAMC có tác động tạm thời, sự chuyển dịch của nợ xấu chỉ có tính bút toán?”- ông Doanh bày tỏ.

    Báo cáo nhận định rằng hai năm gần đây thanh khoản ngân hàng tăng lên. Vốn huy động tăng năm 2013 tăng 23,6% cho dù lãi suất huy động bình quân giảm 2%. Dư nợ tín dụng tăng 12,5%. Tỉ lệ cho vay trên huy động giảm mạnh từ mức 98% (2011) xuống còn 85,4% (2013).

    “Những năm trước tổng tài sản thường tăng khoảng 22% /năm... Tôi đánh giá một phần trăm những năm gần đây đã khác nhiều, lớn hơn nhiều so với một phần trăm của những năm trước do quy mô ngân hàng tăng,” ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch NFSC, nhận định.

    Ông Phước cho rằng cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Trước đây, cứ 100 đồng thì 70 đồng là tiền huy động, và 30 đồng là tiền vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng nay, tỉ trọng tài sản thị trường liên ngân hàng giảm từ 23% (2011) xuống còn 17% (2013). Theo giải thích của ông Phước, mức giảm 6 điểm phần trăm này mà nói nôm na là 6 đồng đã được bù đắp từ tiền gửi của dân, hạn chế vay mượn, rủi ro trên thị trường liên ngân hàng.

    Bài toán tăng trưởng tín dụng

    Tăng trưởng tín dụng năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 được đánh giá là ở mức thấp. Tại sao lại có tình trạng này, theo Chủ tịch NFSC Vũ Viết Ngoạn, có ba yếu tố cần lưu tâm, đó là nguồn cung, nhu cầu vay vốn và sự thận trọng của bên cho vay.

    Theo ông Ngoạn, hiện nguồn cung tín dụng không thể nói là dồi dào nhưng số liệu cho thấy tín dụng tăng trưởng, nguồn cung tốt.

    “Tuy nhiên, vì nợ xấu mà một số doanh nghiệp không vay được vốn. Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng cũng đã thận trọng hơn, hạn chế rủi ro tín dụng một cách thấp nhất, nên cấp tín dụng không “ào ào” như thời gian trước” – ông Ngoạn nói.

    Một nguyên nhân nữa khiến tín dụng tăng thấp, theo ông Ngoạn là vì cầu tín dụng thấp. Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp giải thể lớn, lượng doanh nghiệp còn lại cũng chỉ hoạt động 50-60% công suất.

    Ông Phước nói rằng, tỉ lệ cho vay trên huy động giảm mạnh giúp tăng tỉ lệ an toàn cho hệ thống hơn trước vì nhiều ngân hàng trước đây cho vay quá mức so với tỉ lệ huy động được.

    Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014, theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), năm 2014, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% lạm phát, thì mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 12-14%. Đến 22/4, tín dụng tăng 0,22% khởi động tăng từ quý 2. Hy vọng chỉ tiêu định hướng 12-14% sẽ không có điều chỉnh. 

    Trở lại với Báo cáo của NFSC, các tác giả cho rằng: Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn ổn định trong các năm 2011-2013, tỉ lệ tín dụng ngắn hạn chiếm 58% đến 59% trong khi tín dụng trung dài hạn chiếm 41% đến 42%. Dù muốn thay đổi cơ cấu theo kỳ hạn bằng cách đẩy mạnh vốn cho vay trung và dài hạn, song ở nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng như Việt Nam thì điều này là một thực tế sẽ còn kéo dài.

     

    Theo Nguoiduatin.vn