Tự tin lên sóng, lặng lẽ xuống sóng
Gần nửa năm lên sóng ở cả 2 kênh truyền hình lớn của cả nước (VTV1 và HTV9) nhưng phim thời lượng 90 phút (TV Movies) chưa làm được những điều hứa hẹn
Gần nửa năm lên sóng ở cả 2 kênh truyền hình lớn của cả nước (VTV1 và HTV9) nhưng phim thời lượng 90 phút (TV Movies) chưa làm được những điều hứa hẹn
Đến thời điểm này, VTV1 đã tạm khép lại loạt phim 90 phút đầu tiên, nhường sóng cho phim nước ngoài, HTV9 vẫn đang tiếp tục phát sóng đều đặn lúc 15 giờ mỗi chiều chủ nhật hằng tuần nhưng cũng chỉ lặng lẽ lên sóng rồi… xuống sóng như nhiều bộ phim truyền hình mờ nhạt khác.
Khó trở lại thời hoàng kim
Tâm huyết chung của những người làm nghề cùng sự trở lại sau gần 20 năm vắng bóng khiến sự trở lại của phim 90 phút ít nhiều trở thành một kỳ vọng cho khán giả truyền hình sau một thời gian dài có quá nhiều “phim bộ” dài tập không có sức hút. Tuy nhiên, ngay khi những phim: Nữ xế, Tâm bão, Rubic nhiều mặt, Món quà bất ngờ, Những người ở lại… lên sóng, lập tức các phim này bị so sánh chất lượng không bằng và sự lan tỏa không lớn như các phim từng có đậm dấu ấn trước đây: Lời nguyền của dòng sông, Giữa dòng, Tôi vào đời, Mẹ con đậu đũa… Nhiều người trong cuộc ta thán: Làm sao có thể sánh được với các phim ở thời mà người viết kịch bản đều là những tác giả tâm huyết, viết những đề tài tâm đắc trong thao thức được thể hiện, mọi thứ đều được đầu tư, chăm chút và mỗi phim đều được thực hiện ròng rã hàng tháng trời!
Nói như thế cũng có nghĩa là chính những nhà làm phim cũng đã nhận diện rất rõ vấn đề. Bà Phạm Thị Dung, Giám đốc Công ty Kiết Tường - đơn vị thực hiện dự án 52 phim 90 phút cho HTV, nói: “Có những tác giả lúc đầu viết rất ổn nhưng đến phim thứ ba, thứ tư thì có khi là bị trùng lắp, sa đà vào nguyên tắc kiểu mẫu, không còn hấp dẫn được nữa. Nói thật, có những kịch bản chúng tôi khá tâm đắc nhưng khi thể hiện trên màn ảnh lại không được như vậy. Phim 90 phút đòi hỏi mọi thứ đều phải được xây dựng chặt chẽ ngay từ đầu, tâm lý nhân vật chỉ cần trật một nhịp thôi thì cũng có thể dẫn đến những diễn biến, kết thúc không hấp dẫn, không thuyết phục”.
Vẫn có thể nhặt ra những phim hay, xúc động đáng nhớ như: Tu hú lạc bầy (đạo diễn: Nguyễn Danh Dũng), Đôi mắt (đạo diễn: Vũ Thái Hòa), Miền chân sóng (đạo diễn: Đặng Minh Quốc - Đặng Khoa)… song cũng có phim dở, kết cấu lỏng lẻo hoặc cách thể hiện không hấp dẫn. “Bàn tay của đạo diễn quan trọng lắm, tùy vào gu thẩm mỹ, xúc cảm của mỗi người nhưng cũng có một thực tế là thu nhập từ phim 90 phút không thể bằng các dự án phim dài tập nên khó thu hút những đạo diễn giỏi. Đạo diễn trẻ có thừa nhiệt tình, tâm huyết nhưng nhiều lúc xử lý khung hình không đẹp, thiếu kinh nghiệm xoay trở với các vấn đề phát sinh ngoài phim trường. Chưa kể có phim chỉ quay trong vài ba ngày…, làm sao đòi hỏi chất lượng như phim 90 phút từng có trước đây” - một nhà biên kịch nói. “Phim 90 phút khó quay trở lại thời hoàng kim!” là nhận xét chung của người tham gia dự án và cả người ngoài cuộc.
Đề tài tẻ nhạt
Hầu hết phim 90 phút đã phát sóng đều tập trung vào mảng đề tài gia đình, tâm lý hài hước nhẹ nhàng. Ít có phim xoáy vào những vấn đề nóng của xã hội hoặc có nhưng làm không tới đâu. Nhà biên kịch Đặng Thanh, người hợp tác nhiều kịch bản phim 90 phút, nói rằng VTV duyệt kịch bản phim 90 phút khá nghiêm ngặt, đề tài phải hay, có cao trào mới được duyệt, nếu không sẽ không thực hiện. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Phó Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, nói: “Phim 90 phút phát sóng trên truyền hình dành cho nhiều đối tượng khán giả, từ người lớn đến trẻ nhỏ nên những vấn đề khai thác trên phim luôn được cân nhắc cẩn trọng, tránh nặng nề, bạo lực… Đây cũng chính là điều lý giải cho việc phim 90 phút trên truyền hình chỉ tập trung vào đề tài gia đình, học đường mà vẫn chưa khai thác đến cùng những vấn đề nóng vốn luôn được dư luận quan tâm”.
“Ngày trước phim ít nên mỗi phim đều là cơ hội để đạo diễn khẳng định bản thân. Còn bây giờ, trong dòng chảy quá nhanh này, mọi người cũng phải làm việc theo cái guồng đó. Kỳ vọng một sự vượt trội có chăng là khi phim được đầu tư kinh phí cực cao, đề tài hay như phim điện ảnh nhưng nếu đã làm được đến tầm đó thì phim 90 phút cũng trở thành phim điện ảnh… ra rạp rồi” - nhà biên kịch Đặng Thanh nói.
Đi mãi thành đường?
Bà Phạm Thị Dung cho biết sau dự án 52 phim cho 1 năm phát sóng, đơn vị đang tiếp tục đầu tư cho dòng phim 90 phút này. “Với loạt phim tiếp theo, chúng tôi ao ước sẽ tìm được những kịch bản hay, về thân phận con người, khai thác mạnh vào những đề tài nóng của xã hội. Làm phim 90 tập khó nói đến chuyện thu hồi vốn từ quảng cáo nhưng chúng tôi không bao giờ muốn nói đến hai chữ “kết thúc” dù biết rằng mọi xoay trở để tồn tại đều rất khó khăn, có những điều lực bất tòng tâm. Tuy nhiên, hy vọng phim 90 phút cũng cần thời gian để tạo thành đường đi, thói quen xem phim ngắn cho khán giả” - bà Dung ưu tư.
Theo nld.com.vn