Những dối trá kinh hoàng trong bình chọn giải thưởng âm nhạc
Đằng sau, thể lệ bình chọn bằng tin nhắn ngỡ như công bằng tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện những biến tướng đến kinh hoàng về sự dối trá.
Đằng sau, thể lệ bình chọn bằng tin nhắn ngỡ như công bằng tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện những biến tướng đến kinh hoàng về sự dối trá.
Đêm gala truyền hình trực tiếp 5/1 của chương trình bình chọn Bài hát yêu thích năm 2013, tên của nam ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã được xướng lên, mang về cho chủ nhân số tiền thưởng 1,3 tỷ đồng. Kết quả này, dù không gây ra nhiều ồn ào tranh cãi, song vẫn khiến nhiều người người không còn niềm tin vào cách thức và tiêu chí bình chọn mà ban tổ chức đưa ra.
Có vẻ như Đàm Vĩnh Hưng chạm tay vào giải thưởng không hẳn bởi trình bày ca khúc “Chiếc vòng cầu hôn” xuất sắc, độc đáo hơn người khác, mà nhờ một lượng người hâm mộ đông đảo của nam ca sỹ này.
Cuộc chơi của những sao “bự”
Vượt qua hai ca khúc cùng vào chung kết, làm mưa làm gió suốt mùa giải là “Yêu mình anh” (Thu Minh), “Nơi tình yêu bắt đầu” (Bùi Anh Tuấn), “Chiếc vòng cầu hôn” chiếm tới 19% lượng bình chọn.
Năm nay, cách thức bình chọn chủ yếu vẫn dựa vào lượng tin nhắn gửi về tổng đài, kết hợp số liệu nghe – xem trực tuyến và phiếu bầu của hội đồng bình chọn. Với cách thức này, Đàm Vĩnh Hưng cho thấy sức ảnh hưởng của mình, dựa vào lượng fan hâm mộ hùng hậu của anh. Đồng thời cho thấy sự tỉ lệ nghịch giữa mức độ nổi tiếng và scandal vốn thường diễn ra trong showbiz. Bởi trong năm 2013, Mr. Đàm cũng được biết đến là một ca sỹ có lượng scandal dày đặc và đáng để bị “ném đá”. Nhưng bên cạnh những người bất bình và chỉ trích Mr. Đàm, vẫn còn một lượng lớn “fan ruột” hết lòng ủng hộ.
Được đánh giá là sân chơi có giá trị giải thưởng cao nhất trong các chương trình ca nhạc truyền hình, tuy nhiên không mấy lấy được niềm tin của khán giả vào kết quả bình chọn. Trước nay, ai cũng ngầm hiểu rằng, việc bình chọn bằng tin nhắn rất dễ làm sai lệch kết quả, bởi một lượng tin nhắn ảo quá lớn dành cho mỗi ứng viên. Hàng loạt nghệ sỹ đã bị chỉ đích danh là có tin nhắn bình chọn ảo thông qua sim rác và bị hủy kết quả bình chọn.
Những vụ tố cáo, kiện tụng vẫn diễn ra, dù ban tổ chức đã khá quyết liệt đối với các hành vi chơi không đẹp. Cũng vì tính cạnh tranh này, không ít nghệ sỹ chọn cách bỏ sô diễn ở Bài hát yêu thích. Nếu còn tiếp tục, không ít nghệ sỹ, người hâm mộ sẽ chọn cách mua sim nhắn tin và giữ lại, đề phòng ban tổ chức gọi lại kiểm tra. Cũng chính bởi cách thức bình chọn này, đã xảy ra cuộc tranh chấp quanh chiến thắng của “Chiếc khăn Piêu” trước “Người hát tình ca” năm ngoái.
Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng nhận giải trong đêm gala chung kết Bài hát yêu thích 2013.
Trước vấn đề nan giải này, ban tổ chức chương trình Bài hát yêu thích đã tìm cách kiểm soát lượng tin nhắn bình chọn ảo, bằng việc dần trao quyền nhiều hơn cho hội đồng bình chọn. Tuy nhiên, cách làm này vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía khán giả. Bởi số lượng người ít ỏi từ hội đồng bình chọn, không thể thay thế cho sự yêu thích của khán giả với bài hát, ca sỹ của mình được.
Nhưng trao quyền quyết định cho khán giả, thì đương nhiên ca sỹ nào có lượng fan hâm mộ hùng hậu, có nguồn lực tài chính dồi dào ắt sẽ thắng cuộc. Kế đến mới là giọng hát, cách trình diễn, cách làm mới bài hát của ca sỹ. Điều này cũng cho thấy một thực tế, nếu chương trình Bài hát yêu thích chỉ phụ thuộc vào cách thức bình chọn của khán giả là chính, thì sẽ vẫn phải loay hoay để tìm lại niềm tin của công chúng yêu nhạc. Không loại trừ khả năng sẽ bị chính công chúng và nghệ sỹ quay lưng trong một tương lai không xa.
Có dịch vụ nhắn tin thuê cho các nghệ sỹ mua giải?
Có thể thấy các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đều có chương trình bình chọn bằng tin nhắn để cứu thí sinh. Với cách làm mở kiểu này, chương trình là một cách đến gần với khán giả và tạo sự tương tác với nhau. Yếu tố tích cực này không chỉ thu hút người xem mà còn đo lường sự yêu thích của khán giả đối với chương trình. Tuy nhiên, bình chọn bằng tin nhắn là một chiếc cửa hẹp đầy niềm vui và nước mắt cho những người trong cuộc.
Đằng sau, thể lệ bình chọn bằng tin nhắn ngỡ như công bằng tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện những biến tướng đến kinh hoàng về sự dối trá - mặt trái của những giải thưởng kiểu này.
Ca sỹ trẻ Thanh Hoài cho biết: “Với các giải thưởng thắng cuộc nhờ bình chọn tin nhắn của khán giả ngày nay đã bị biến tướng rất nhiều rồi. Bây giờ, không phải khán giả thích thí sinh thì lấy điện thoại bình chọn cho thí sinh đó nữa, mà đó là một sân chơi để những nghệ sỹ với ước mơ chiến thắng bằng mọi cách đã vận động các fan của mình nhắn tin, nhưng dù sao đó cũng là một cách chơi sòng phẳng. Đằng này, nhiều người bỏ tiền ra mua sim về tự bình chọn cho mình để mong giành được giải. Có thể số tiền bỏ ra để mua giải không nhiều, nhưng sự chiến thắng này được họ dùng để lòe với thiên hạ và tự đánh bóng tên tuổi của mình trước khán giả”.
Những biến tướng từ các chương trình đã đẩy kết quả thực từ chương trình này trở nên mất ý nghĩa. Người chiến thắng hả hê vì mình đã bỏ ra khá nhiều tiền để mua được chiến thắng chứ không thực sự là nhờ vào tài năng đích thực. Vì thế, những giải thưởng ngày nay, uy tín thì ít mà scandal thì nhiều.
Điều đó nói lên rằng, sự suy thoái của làng giải trí Việt có những lũng đoạn khá rõ. Điều này cũng cho thấy, ranh giới mỏng manh của sự khách quan càng hiếm hoi. Và rằng câu nói “Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” càng trở nên ý nghĩa. Giải thưởng hay sự yêu mến của khán giả có thể cân đo đong đếm bằng tiền và những giá trị ảo hời hợt khác.
Chiến thắng bằng những tin nhắn của các nghệ sỹ được lập nên bằng một sự mua bán có tổ chức khá chặt chẽ.
Nhạc sỹ Miêu Thanh cho biết: “Hiện nay, có những dịch vụ nhắn tin thuê cho các nghệ sỹ để mua giải. Họ sẽ lời tiền qua mỗi tin nhắn, mỗi tin nhắn có thể họ sẽ lời vài trăm đồng, nhưng được cái sẽ được số lượng. Đây cũng là những dịch vụ được lập nên để ăn theo giải thưởng. Ca sỹ muốn chiến thắng bằng mọi giá sẽ dùng cách này để mua giải. Vì thế, có những thời điểm đột nhiên ca khúc này liên tục được khán giả bình chọn khiến nó vượt lên trong bảng xếp hạng”.
Phải chăng đến lúc, chúng ta cần có sự nghiêm minh hơn trong việc quản lý các chương trình dùng cách thức bình chọn để đem đến chiến thắng cho thí sinh. Và đó cũng là cách để tránh những tiêu cực trong giải thưởng. Tuy nhiên, bắt đầu từ lúc nào và làm như thế nào, vẫn sẽ là một câu hỏi lớn dành cho các nhà quản lý.
Mong có một sân chơi công bằng Ca sỹ, diễn viên Yến Ngọc chia sẻ: “Nghệ sỹ chúng tôi cũng mong muốn có một sân chơi đúng nghĩa để mình có thể cống hiến hết các tài năng của mình. Hiện nay, dù có những sân chơi gây nhiều scandal, tuy nhiên cũng có những sân chơi có tính công bằng, trung thực. Hy vọng, mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ để nghệ sỹ có thêm niềm tin và động lực phấn đấu”. |
Theo Nguoiduatin