Những đại gia công nghệ đặt nhà máy ở Việt Nam

    Làn sóng đầu tư sản xuất công nghệ cao đang tràn tới Việt Nam.

    Làn sóng đầu tư sản xuất công nghệ cao đang tràn tới Việt Nam.

     

    Gần đây, hãng sản xuất điện tử lớn nhất nhì Hàn Quốc, LG Electronics cho biết đã ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy ở khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng. Nhà máy sản xuất và lắp ráp điện thoại này của LGE có tổng mức đầu tư lên tới hơn 1,5 tỷ đồng.

    Bước đi này của LG một lần nữa cho thấy công nghiệp sản xuất điện tử đang dần chuyển dịch sang Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi điểm lại các đại gia công nghệ đã và đang xây dựng hệ thống sản xuất và lắp ráp ở Việt Nam.

    LG Electronics

    Theo Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, LGE đã ký thỏa thuận hợp đồng thuê lại đất với diện tích hơn 40 ha tại Khu Tràng Duệ, Hải Phòng. Khu công nghiệp Tràng Duệ do Kinh Bắc đầu tư đang thu hút khá nhiều doanh nghiệp công nghệ cao.

    Tuy nhiên,  theo đại diện LG Electronics Việt Nam, thì họ chưa hề nghe thấy thông tin về dự án này. Và theo một số nguồn tin, thì dự án này chỉ có giá trị 400 triệu USD.

    Samsung

    Đi đầu và mạnh mẽ nhất trong số các đại gia công nghệ đầu tư vào Việt Nam, Samsung hiện đang có mặt tại 3 khu công nghiệp trên cả nước, với vốn đầu tư hàng tỷ USD.

    Gần đây nhất, Samsung đã mở một tổ  hợp công nghiệp ở Thái Nguyên, với mức vốn đầu tư lên tới hơn 2 tỷ USD. Thậm chí lãnh đạo Samsung còn đang bàn thảo với lãnh đạo Thái Nguyên để mở rộng thêm một nhà máy, nâng tổng mức đăng ký lên 3,2 tỷ USD. Nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên dự kiến sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 80.000 lao động địa phương.

    rnLễ động thổ tổ hợp công nghiệp trị giá hơn 2,5 tỷ USD của Samsung ở Thái Nguyên

    Lễ động thổ tổ hợp công nghiệp trị giá hơn 2,5 tỷ USD của Samsung ở Thái Nguyên

     

    Ngoài ra, sự xuất hiện của Samsung cũng khiến nhiều nhà đầu tư “vệ tinh” của Samsung tham gia thị trường nước ta. Hiện có 54 nhà đầu tư vệ tinh Hàn Quốc của Samsung đã đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD

    Trước đó, Samsung Electronics Việt Nam cũng đã đầu tư dự án nhà máy hơn 670 triệu USD ở khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. Gần đây, dự án này được nâng đầu tư lên mức hơn 1,5 tỷ USD. Thậm chí còn có tin Samsung sẵn sàng nâng mức đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD, chỉ riêng cho nhà máy tại Bắc Ninh.

    Tổ hợp của Samsung tại Bắc Ninh hiện đang trong giai đoạn “ăn nên làm ra” khi đạt con số hơn 100 triệu sản phẩm trong năm 2012 với doanh số xuất khẩu 12,7 tỷ USD. Quý 1/2013, tổ hợp này cũng đã mang lại doanh số xuất khẩu 5,2 tỷ USD.

    Nokia

    Nokia động thổ nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam ở khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh vào năm trước. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 200 triệu euro (300 triệu USD). Dự kiến nhà máy sẽ đạt công suất 30 triệu sản phẩm/ năm và 180 triệu sản phẩm vào năm 2018.

    Dự kiến nhà máy sẽ thu hút hơn 10.000 lao động Việt Nam.

    Foxconn

    Nổi tiếng với việc là nhà sản xuất điện thoại cho Apple, Foxconn hiện cũng đang thăm dò Việt Nam với dự án được tuyên bố lên tới 5 tỷ USD. Thế nhưng  hiện hãng mới chỉ có một nhà máy sản xuất linh kiện trị giá 160 triệu USD hoạt động tại Bắc Ninh.

    Còn tại Bắc Giang và Vĩnh Phúc, Foxconn đang bị đe dọa rút giấy phép đầu tư do chậm trễ triển khai dự án.  Ngoài ra, Foxconn đang ký biên bản hợp tác đầu tư với TP HCM, Hải Phòng, Bình Định.

    Intel

    Intel từng gây chấn động khi đầu tư tới 1 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip và linh phụ kiện bán dẫn tại TP HCM ngay từ năm 2008. 

    Việt Nam: Điểm đến mới cho các đại gia công nghệ đặt nhà máy sản xuất?
     
    Tính tới cuối năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của nhà máy Intel Product Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD và có hơn 1.000 nhân viên

    Canon

    Trong vòng 4 năm qua, Canon đã xây dựng 4 nhà máy ở Việt Nam. Canon cũng tích cực hợp tác với các doanh nghiệp nội để nâng tỷ lệ nội địa hóa tại thị trường nước ta. Theo Canon, tỷ lệ nội địa hóa đạt được lên tới 64%. Năm 2012, Canon Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 30% so với năm trước, chỉ đứng sau Canon Ấn Độ.

    Làn sóng đầu tư vào sản xuất thiết bị điện tử - công nghệ cao tại Việt Nam cho thấy nước ta đang trở thành một trung tâm dịch chuyển của sản xuất điện tử. Có thể, những bất ổn chính trị ở Thái Lan trong thời gian dài, hoặc những hành vi phá hoại, bạo động của một số người dân Trung Quốc với các công ty Nhật Bản là một phần nguyên nhân.

    Nhưng, có thể các nhà đầu tư tham gia thị trường Việt cả bởi những lý do rất kinh tế. Thường thì các nhà đầu tư sản xuất điện tử sẽ yêu cầu được áp dụng quy chế cho sản xuất công nghệ cao. Vì thế, thuế và phí với các doanh nghiệp này thường được áp dụng ở mức thấp nhất. Thậm chí, Samsung còn được hưởng những ưu đãi lớn hơn doanh nghiệp khác, do tỷ lệ đầu tư cực lớn của hãng này vào thị trường Việt Nam.

    Bởi những ưu đãi thuế, nguồn thu từ các doanh nghiệp trên là không cao. Dù cho các doanh nghiệp này đạt kim ngạch xuất khẩu cực lớn, như Samsung là khoảng hơn 12 tỷ USD trong năm 2012. Tuy nhiên, Việt Nam được lợi ở chỗ có thể giải quyết thêm việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn khi vào Việt Nam thường kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, “vệ tinh” giúp cho ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

     

    Theo NguoiDuaTin