Microsoft tiếp tục “chạy đua” trên thị trường di động

    Microsoft tiếp tục khẳng định tham vọng trên thị trường di động của mình với chiến lược “Mobile-first, cloud-first”. Tuy nhiên, Microsoft không sử dụng thiết bị, phần cứng như là lá bài chiến lược mà là sự kết hợp giữa thiết bị và các dịch vụ di động để thu hút người sử dụng.

    Microsoft tiếp tục khẳng định tham vọng trên thị trường di động của mình với chiến lược “Mobile-first, cloud-first”. Tuy nhiên, Microsoft không sử dụng thiết bị, phần cứng như là lá bài chiến lược mà là sự kết hợp giữa thiết bị và các dịch vụ di động để thu hút người sử dụng.

     

    Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị đối tác toàn cầu WPC 2015 diễn ra tại Orlando, Mỹ, ông César Cernuda, Chủ tịch Microsoft khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết sau khi mua lại bộ phận di động của Nokia, Microsoft đang tái cơ cấu lại bộ máy và có một điều chắc chắn để khẳng định rằng: “Microsoft sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ trên thị trường di động”.
     
     
    Ông César cho biết những gì Microsoft và Nokia đã làm được trên thị trường smartphone với thương hiệu Lumia là một dấu mốc quan trọng để hãng bước tiếp trên thị trường di động. “Chúng tôi cần phải nói rằng Microsoft không chỉ chú trọng vào riêng thiết bị di động mà chúng tôi đang hướng tới chiến lược quan trọng trong lĩnh vực di động đó là sự đầu tư quyết liệt vào các sản phẩm mà do chúng tôi sản xuất và sự cam kết đối với các đối tác sản xuất di động khác nữa”.
     
     
    Theo ông César, Microsoft đã có sự cam kết từ 50 triệu người dùng sẽ nâng cấp lên hệ điều hành Windows 10 trong 12 tháng tới riêng tại thị trường Châu Á-Thái Bình Dương. Con số này chính là một cơ hội lớn của Microsoft, và Windows 10 sẽ là lá bài chiến lược của Microsoft. “Windows 10 là sự thay đổi lớn của Microsoft. Người dùng là giới văn phòng có thể trở thành “nhân viên di động” khi sử dụng Windows 10 trên cả các thiết bị, từ PC, laptop, phablet, điện thoại, máy tính bảng… và các nhà phát triển cũng dễ dàng phát triển ứng dụng cho tất cả các thiết bị trên mà không gặp khó khăn”.
     
     

     

    César Cernuda, Chủ tịch Microsoft khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

     

     
    Chủ tịch Microsoft khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho hay: “Chúng tôi cũng đã làm việc với 52 đối tác tại Thẩm Quyến, Trung Quốc để đưa Windows 10 vào laptop, máy tính bảng lai”.
     

     

    Nói về thị phần Windows trên thị trường di động, ông César cho hay hiện tại Windows đang giữ gần 50% thị phần trên thị trường máy tính bảng dành cho doanh nghiệp. Điều này có nghĩa cứ 2 máy tính bảng bán ra thị trường doanh nghiệp thì có 1 máy tính sử dụng hệ điều hành Windows. Trong khi đó, Windows đang giữ 27% thị phần tablet trên thị trường cá nhân tại thị trường phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương, tức cứ 3 tablet bán ra thì có 1 máy tính bảng sử dụng Windows. Tại các thị trường mới nổi thì tỷ lệ này thấp hơn đôi chút do còn thiếu các thiết bị hỗ trợ kết nối 3G. “Chúng tôi tin rằng khi Windows 10 được tung ra thị trường thì thị phần của hệ điều hành này sẽ tăng mạnh, có thể đạt 50% chỉ trong vòng vài tháng tới”.
     

     

    Đối với thị trường smartphone, ông  César nhấn mạnh riêng tại thị trường Việt Nam, hệ điều hành Windows Phone đã chiếm được 30% thị phần, đây là một thành công của Microsoft. Microsoft cho biết trong thời gian tới hãng sẽ thu hẹp số lượng smartphone để tập trung vào các smartphone chủ lực.
     
     
    Chia sẻ về tầm nhìn của Microsoft trong môi trường điện toán đám mây, ông  César cho hay, điện toán đám mây sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, giúp tăng doanh thu và giảm thiểu chi phí phát sinh. Ông cho hay báo cáo quý III năm tài khoá 2015 của Microsoft cho thấy doanh thu từ các dịch vụ điện toán của hãng này đạt 6,3 tỷ USD, tăng trưởng 106% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này chưa bao gồm doanh thu tăng trưởng từ bộ phận đám mây cá nhân.
     
     
    Người đứng đầu thị trường châu Á-Thái Bình Dương của Microsoft cho hay bộ phận đám mây của hãng này tại khu vực đang đạt mức tăng trưởng gấp 6 lần, trong đó Microsoft đang tập trung khai thác vào Phần mềm là dịch vụ (SaaS - Software as a Service), Cơ sở hạ tầng là dịch vụ (IaaS - Infrastructure as a Service), Nền tảng là dịch vụ (PaaS - Platform as a Service).
     
     
     
    Microsoft dự kiến sẽ đạt được doanh thu 20 tỷ USD trong lĩnh vực đám mây trong năm 2018.
     
     
     
    Theo Docbao.vn